Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012


               CHÂN DUNG MỘT ĐỜI NGƯỜI

   Đời cần ta, ta cần gì đời. Đ...mẹ đời. Hắn vừa đi vừa lầm bầm chửi. Trong ráng chiều chập choạng, nhìn thấy cái bóng nghiêng nghiêng đổ dài theo mỗi bước chân hắn phá cười khùng khục. Thì ra thế, dòng đời chầm chậm trôi kéo dài chân cái bóng vốn to lớn, chững chạc của hắn thành vẹo vọ, uốn éo, xô lệch ngả nghiêng. Hắn giận đời, hận mình. Dù không muốn nhìn cái bóng đáng gét đó nhưng còn bước, cái bóng còn bám theo hắn dai dẳng không dời.
   Lớn lên ở một làng quê “Chị Hai năm tấn”. Như bao lớp thanh niên thời chống Mỹ lúc bấy giờ, Nguyễn Trường Hân hăng hái lên đường tòng quân vào một tiểu doàn bộ đội đặc công, bỏ lại phía sau những kỷ niệm dại khờ, trắng  trong của tuổi học trò. Con đường phía trước hẳn còn nhiều khó khăn gian khổ đang chờ đợi, nhưng với tuổi trẻ đang tràn đầy sức lực, Hân nguyện phấn đấu, học hỏi vươn lên trong cuộc sống quân ngũ để sứng đáng với làng quê, sứng  đáng với danh anh bộ đội Cụ Hồ .
  Làm chiến sỹ bộ đội đặc công luyện tập thật vất vả. Với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.  Những đêm rét thấu xương vẫn phải ngâm mình trong sình lầy để quan sát “ đồn địch”. Khi tiền nhập đều phải cởi trần, nhiều đêm tập xong trên đường trở về đơn vị, bùn ướt trên người bốc hơi nghi nghút, dần khô cứng lại thành mảng, bong rơi để lộ thân hình tím tái mặc cho những làn gió bấc tha hồ quết qua quét lại như muôn ngàn mũi kim đâm buốt nhói ,rét đến cứng hàm, rét đến nỗi buồn đái mà không són nổi một giọt.
  Luyện tập gian khổ là thế, nhưng với lòng quyết tâm, ham học hỏi lên sau sáu tháng huấn luyện Hân đã được cấp trên khen thưởng bẩy ngày về phép trước khi  đi “B”chiến đấu.
 Hân đi “B dài”, địa bàn đóng quân tít sâu vùng Quảng Ngãi. Đối với người lính, tính chất ác liệt của mặt trận này nếu đem so sánh với sự ác liệt của mặt trận khác chỉ là tương đối, nhưng cái sướng, khổ thì được định nghĩa rõ ràng. “Bên nắng rát, bên mưa rây”, chỉ cách nhau quả núi mà phía Tây Trường Sơn nắng Lào rát bỏng, còn Đông Trường Sơn cảnh vật thơ mộng đúng với câu hát:“Cây xòe bóng mát”...đủ dậy lên chất men của thơ ca
 Nếu nói đi B ngắn ở Quảng Trị vào những năm 71- 72 được mệnh danh  là một cái chảo rang thịt người, khốc liệt là thế, nhưng cái “sướng của nó” là chỉ cần lùi chân lại một bước xẽ được cả một hậu phương thương yêu che trở, ai cũng biết vậy. Đối với Hân thì được chiến đấu ở đâu cũng là vinh dự,  tư tưởng thảnh thơi, Hân đã hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ “luồn sâu, đánh hiểm”góp phần lập lên những chiến công vang dội, được thưởng hai bằng khen.
 Chiến công của người chiến sỹ đặc công góp phần làm lên những chiến thắng lẫy lừng bất chấp cuộc sống gian khổ khó khăn, nhưng cũng chính cái thiếu thốn, gian khổ của đời lính đã giúp họ hiểu thêm giá trị về những cái mất mà họ đang hiến dâng để chiến đấu, càng cận kề với cái chết họ càng quý và yêu cuộc sống biết chừng nào... Thế hệ của Hân là đội ngũ những người lính có học thức, có cách  đánh giá đúng mức khi nhìn nhận về tình yêu và lý tưởng. Khi xông lên dưới làn đạn của quân thù đâu chỉ cần một bầu máu nóng hờn căm. Họ biết rèn cho mình một cái đầu lạnh, biết lên phương án chi tiết cho từng trận,  đã đánh là phải thắng để bảo tồn từng giọt máu của mình và đồng đội không đổ xuống phí hoài.
  Đã nhiều lần Hân run run đưa tay vuốt mắt cho đồng đội, cảm nhận rõ mùi đất mới nơi bạn mình nằm xuống đang sua tan cái nóng khét của bom đạn, góp phần làm cho bầu trời thanh bình trong sáng hơn, rồi đây Hân có thể ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này như bao đồng đội của mình mà không băn khoăn, hối tiếc. Nhưng, lếu có một lần được sống lại ?.
  Đó là một buổi sáng đẹp trời, Hân mơ màng thấy cuộc sống hồi sinh, cảm nhận được dòng máu đang nóng dần chảy trong huyết quản, muốn vung chân tay và mừng húm khi cất được đôi mi nặng trịch. Một gương mặt cúi xuống, đúng hơn là một đôi mắt biết nói: Chúc mừng anh đã tỉnh lại. Hân đưa mắt nhìn quanh, một căn hầm thoáng đãng yên lặng tịnh không một tiếng động, phảng phất mùi cồn, khó khăn lắm anh mới hỏi cô y tá rằng anh đang ở đâu?. Thật ngạc nhiên chỉ thấy đôi môi xinh đẹp kia mấp máy như hớp hớp không khí, đặt ngón trỏ lên môi ra hiệu im lặng, cô cúi xuống, luồng ánh sáng từ cửa hầm hắt vào giúp Hân nhìn rõ đường cong rất đẹp khi cô nhẹ nhàng ém lại tấm đắp, thoáng một ánh mắt tinh nghịch, một nụ hôn trìu mến đặt lên vầng trán nóng rẫy vì cơn sốt. Người thương binh bất giác rên lên khe khẽ, những vết nhăn đau đớn như dãn ra, khuôn mặt thư thái mơ màng gúp Hân chìm dần vào giấc ngủ.
                                               Làng Mo 5/2012
                                                  ( còn phần tiếp sau )

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012


Gặp lại trò sưa
Phan Quang Cách

Bốn mươi chín năm thời gian thay đổi
Từ Thành phố Tuy Hòa em đến thăm tôi
Phút ban đầu thày chưa nhớ được
Em Tô Hà: Thầy có nhớ thày ơi !

Thầy nghỉ hưu về với đời thường
Trồng người đã trọn ra vườn trồng hoa
Thú vui khi tuổi đã già
Chiều về gió thổi đầy nhà hương thơm

Làng Chiền 16/11/2012



Nhà thầy:


Anh Sử  xóm triancuocdoi
 chụp ảnh lưu niệm với các thày cô cùng tổ hưu trí với thày Cách




    

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012


 ĐỗThị Bích Liên -  một đọc giả rất mến mộ TRIANCUOCDOI - mong được làm quen với các Thầy Cô và cư dân cả xóm. Anh Bùi Thế Sử thông qua blog To Quang xin được giới thiệu bài thơ của Đỗ Thị Bích Liên :
                                                 

                               Trích ngang: Đỗ Thị Bích Liên
                                Bút danh: Đỗ Quỳnh Mai
                                         NS:   1960  
                                Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang
                                 Hội viên CLB thơ Việt Nam
                                  ĐT:     0985 570 595

Quỳnh Mai*
Đắm mình ở bến sông thơ

Nhớ thời cắp sách đến trường
                       Nghe thơ thầy đọc giảng đường mê say
                              Hồn em ôm mộng tháng ngày
                       Nguồn thơ ấp ủ ngất ngây một thời

                              Đa tình bởi kiếp con người
                        Ngày đêm say đắm từng lời trong thơ
                              Nàng thơ ơi ! chớ thờ ơ
                        Để ta trăn trở ngẩn ngơ ngắn dài

                              Quỳnh Mai*tâm chẳng đổi đời
                         Cửa thiền rộng mở tâm vời đến em
                               Dòng đời  đang dở đi tìm
                          Mải mê hồn cứ đắm chìm vào thơ

                               Một đời ôm mộng cùng mơ
                           Lớn lên thơ đã ngập bờ hồn em
                               Qua thời vất vả gian nan
                           Mong về góp với thi đàn vui chơi

                                Thơ bay về cánh đồng đời
                           Cày tơi xới đất ngọt bùi lúa hương
                                                 
                                        (* Bút danh Đỗ Thị Bích Liên)

                                                  2/8/2012

                               

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012


                 Có một bộ tộc ở Phong Nha
                          ( Quảng Bình ).

 Nếu bạn đọc ở đâu đó về một bộ tộc được phát hiện giữa thời văn minh vẫn sống trong rừng sâu, lấy vỏ cây làm áo, không phải sống trong hang đá mà làm lều dưới những tán cây rừng, mái lợp bằng lá chuối, khi lá chuối trên mái lều héo vàng thì bỏ đi nơi khác để tiếp tục săn bắn và hái lượm kiếm sống. Đó chính là tộc người “Lá Vàng” hay là dân tộc A Rem ở Phong Nha (Quảng Bình) ngày nay.
 Bộ tộc A rem sống hoang dã  trong rừng sâu Phong Nha – Kẻ Bàng. Năm 1956, người ta phát hiện và đưa họ ra khỏi rừng sâu để hòa nhập với cộng đồng. Lúc đó tổng cộng bộ tộc này chỉ có 18 người. Chiến  tranh lưu lạc, người A rem bỏ vào rừng lúc nào chẳng ai hay. Năm 1992, người ta lại tìm thấy họ trong rừng sâu, bấy giờ đã là 98 người tất cả, họ lại được đưa ra khỏi rừng về định cư ổn định trong khu vực xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
 Đây là một xã bé và nhỏ nhất Việt Nam, xã chỉ có 43 hộ dân, bây giờ có 6 hộ nữa từ bản Doòng cách xã 30 km nhập thêm vào là 49 hộ, 235 nhân khẩu. Năm 2005 TPHCM đã xây dựng tặng 42 ngôi nhà kiên cố. Nếu cứ nhìn vào cơ sở vật chất như trường học, UBND và 42 ngôi nhà hẳn ai cũng phải ngạc nhiên bởi tận nơi thâm sơn cùng cốc này người dân lại ấm no đến vậy. Nhưng thực chất hành trình hòa nhập cộng đồng của đồng bào dân tộc ít người này cũng vô cùng gian nan vất vả. Lúc đưa dân về đây định cư họ đã không tính đến chuyện nước, ai ngờ xã nằm giữa lõi một khu rừng già nguyên sinh bạt ngàn cây trái, ngay cả những ngày có cơn mưa rừng nặng hạt, mưa xong là lớp đất ba zan mầu mỡ chỉ đọng lại chút nước đỏ sẫm với một lớp váng gỉ sắt tanh nồng. Ở đây cũng đã được đầu tư đường nước mấy chục tỷ đồng nhưng...hỏng lâu rồi. Do đường nước dài mấy chục cây số đi trong rừng địa hình hiểm trở nên đường nước mới đưa vào sử dụng đã hỏng, sửa đi sửa lại hỏng vẫn hoàn hỏng, lâu dần dân bản cũng quên rằng xã mình cũng từng có đường nước sạch. Ngoài việc Tân Trạch “tọa lạc”vào chỗ không nước, ở đây còn là cả một kho bom chưa nổ vì trước đây đường 20 bị đánh phá rất ác liệt, địa điểm xã lại là trọng điểm nên chỗ nào cũng có bom, cứ nghe tiếng “uỳnh”trong rừng, đi kiểm tra không thú chết thì cũng là trâu bò của dân vướng bom.
 Nghèo, lạc hậu nên chuyện học hành của con em Tân Trạch chưa được chú trọng. Quy định của trường rất đặc biệt: 2h chiều vào học, 1h trường gióng lên một hồi trống, sau hồi trống đó các giáo viên đến từng nhà để “bắt” học sinh, bắt được em nào đưa về lớp học, sách vở các em học xong các thày cô lại cất đi, nếu để học sinh mang về hôm sau “ chẳng còn gì để học”.
 Cuộc sống nơi đây còn đơn giản nên thiếu thốn đủ thứ, người A Rem còn muôn vàn khó khăn, bộ đội biên phòng, kiểm lâm và cả những người kinh lên đây buôn bán đã mang đến nhiều sự đổi thay cho đồng bào. Thế nhưng khi cuộc sống còn đói nghèo thì mọi sự cố gắng vẫn chưa được như sự mong đợi. Đường 20 đi qua xã vẫn là đường rừng chưa được xây dựng, sự giao lưu với xã hội bên ngoài hạn chế thì cuộc sống nơi đây chậm phát triển là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đường 20 đi qua vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, một tài sản quý hiếm của quốc gia, một di sản của thế giới nên việc làm đường đi qua lõi của khu vườn chắc phải tính toán rất kỹ. Có lẽ đó là lý do mà bao năm nay đường 20 vẫn hoang vu và người dân A Ren rất khó hòa nhập với thế giới bên ngoài.