NỖI NHỚ !
Tôi cất tiếng khóc chào đời ở một ngôi làng bên một dòng sông. Hay nói chính sác hơn là được sinh ra ở làng Phượng Nhỡn nằm bên dòng Lục Đầu Giang, nơi hội nguồn năm con sông hợp lại chảy xuôi về Phả Lại.
Làng Phượng Nhỡn hay còn ngọi là Phượng Nhãn là một địa danh rất nổi tiếng của nhiều thế kỷ trước, nó là nơi duy nhất để dàn tuyến phòng thủ, tập kết quân lương của bọn người phương bắc tràn xuống chuẩn bị vượt sông đánh chiếm Thăng Long. Còn ông cha ta muốn đập tan âm mưu sâm lược của địch cũng phải tìm cách vượt sông, đánh chiếm lấy căn cứ nổi giữa đồng chiêm chũng gập nước này.
Kỷ niệm về quê hương tuổi ấu thơ của tôi thật đẹp nhưng cũng rất hãi hùng... Những buổi lộng gió được theo các anh chị ra bờ sông thả diều hay ăn trộm bí đỏ ở bãi bồi cuối làng, ăn trộm không phải để dùng mà chỉ đơn giản làm thuyền. Quả bí được phạt đi nửa non đủ chở một đứa ngồi trong đó, bọn còn lại bám chung quanh tha hồ vùng vẫy , bơi lội.
Đặc trưng của các làng bên sông là nhà nào cũng có một bến tắm riêng, và một trong những bến đó được gọi là bến làng bởi bến đó rộng hơn, bờ có độ dốc thoải hơn và dưới lòng sông nhiều cát hơn, có lẽ vì thế lên người nghánh nước, người tắm đông hơn. Chẳng biết tự lúc nào tôi đã thuộc câu thơ:“ Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi...”với tất tấm tình. Đúng vậy, những ai nhà ở bên sông mới biết hết cái thú tắm sông. Những ngày hè oi bức không một làn gió, không một gợn mây, hàng tre mệt mỏi xóa tóc đứng im lìm bên bến, thế mà chiều về lại lao sao hát lời du cùng làn gió nam hây hẩy, dòng sông phản chiếu nắng chiều cứ ánh lên, dát đầy những vảy vàng, vảy bạc. Bến làng đầy ắp tiếng nói cười, tiếng té nước khi được vùng vẫy với sông, tiếng vỗ quần áo bồm bộp tạo lên một không gian rất riêng của vùng bến nước
Quê tôi có mùa nước sớm bởi những trận mưa to vào trung tuần tháng năm hay cuối tháng năm ( âm lịch ) mà người dân vùng chiêm chũng gọi là “nước cá đẻ” ngập sấp xếnh các bãi nghể quang làng, từng đàn cá dưng, cá diếc…theo con nước tràn lên bãi để đẻ. ầm ỹ nhất vẫn là những đàn cá gáy, trong cơn “si tình”chúng lao lên những vùng nước cạn hở cả vây, lượn vòng, cắn nhau vật đuôi tung tóe nước. Có đàn đông hơn chục con. Không cần dụng cụ, những người “sát cá”dùng tay cũng bắt được chúng. Mùa nước cá đẻ, bếp nhà nào cũng thơm lừng bởi các món rán hay rim với tương từ cá. Thời gian này, dân quê tôi tất bật chạy đua với thời gian không kẻ ngày đêm để thu hoạch hoa mầu ngoài đồng, bởi cuối con nước cá đẻ là lũ tràn về. Dòng lũ của năm con sông hợp lại thật ghê gớm. Nhưng mạnh nhất, hung dữ nhất vẫn là con lũ từ Trũ tràn về, đỏ quạch phù xa, dòng lũ réo lên ùng ục, cuốn theo cả cây rừng, những bè ngỗ, nứa bị vỡ mảng
từ phía thượng nguồn. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng kêu ý ới dường như càng làm nước dềnh lên nhanh hơn. Tất cả đều bị chìm dần trong nước...Chỉ còn những đám rác, đám bèo là nổi cứ xoay tròn theo xoáy nước mà trên đó bám cơ man kiến và chuột. Một làng ven sông trù phú, xanh mướt những vườn chuối rặng tre... Tất cả đều bị nước nhấn chìm ...
Tôi xa quê không phải như câu thơ: “ Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả.../ Kẻ sớm hôm cày cuốc ngoài đồng/ Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến”. Mà là di cư theo lệnh của nhà nước. Di dân cả làng.
Giờ đây, sống bình yên trong góc núi, không còn sợ cảnh hãi hùng mỗi khi lũ về. Các con đều đã khôn lớn trưởng thành nhưng lòng tôi khôn nguôi nhớ về nơi chôn rau cắt rốn lên mỗi khi có dịp, tôi thường dắt các con về lại chốn sưa, dầu cho làng cũ bây giờ chỉ còn là dải đất chạy dài ven sông, không một mái nhà, không một bóng cây, để chỉ cho chúng biết đây là đâu?
Đứng trước dòng sông với lòng khắc khoải, cứ định đưa hai tay lên mồm làm loa để được ngọi to hai tiếng ...Đò ơi !
Tháng 11 năm 2011